Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Marketing 4.0: xu hướng tất yếu của thời đại “bốn chấm”

Hằng ngày lướt web, xem tivi bạn thường nghe nhắc nhiều đến cụm từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) nhưng có bao giờ bạn tự hỏi CMCN 4.0 là gì mà khiến các cán bộ đầu ngành, các doanh nghiệp hiện đại phải đau đầu chạy theo như vậy? Nếu bạn muốn biết về CMCN 4.0, những trụ cột của nó và ngành Marketing cần làm gì để bắt kịp xu hướng thời đại thì đây chính là bài báo dành cho bạn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 – Bước tiến thay đổi toàn cầu

CMCN 4.0 là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong khoảng vài năm trở lại đây chỉ sự thay đổi vượt bậc trong sáng tạo kỹ thuật, sản xuất,… CMCN 4.0 là bước tiến lớn của nhân loại trong ứng dụng các thành tựu của kỹ thuật số, công nghệ sinh học, công nghệ vật lý,…

Để đáp ứng kịp sự phát triển này, hầu như tất cả các ngành đều đã có định hướng riêng cho mình trong “thời đại 4.0”, từ đó các khái niệm Education 4.0, Business 4.0, Marketing 4.0,… ra đời.

Marketing 4.0 và những hướng đi mới

Ngày nay, doanh nghiệp phải thay đổi hoàn toàn cách thức tương tác với khách hàng, từ phân tích nhu cầu, tiếp thị, bán hàng, đến chăm sóc khách hàng,… cho phù hợp với thời đại.

Xu hướng tất yếu là Marketing 4.0 sẽ gắn liền với Internet, từ hình thức tiếp cận khách hàng mục tiêu, lựa chọn kênh quảng bá,… cho đến việc thúc đẩy hành động mua hàng của khách hàng tiềm năng. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo để góp phần tìm ra câu trả lời về hướng đi của mình trong “thời đại 4.0” này:

Smart GDN – Con đường quảng cáo thông minh

Smart display campaign của Google (Smart GDN) là một giải pháp thông minh, đơn giản bằng việc đấu thầu tự động, nhắm mục tiêu tự động và tạo quảng cáo tự động.

Với khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ và việc xử lý thông tin thông minh, Smart GDN sẽ giúp doanh nghiệp của bạn hiển thị thông tin quảng cáo hiệu quả nhất và tìm được đúng khách hàng mục tiêu giúp tăng tỉ lệ mua hàng. doanh nghiệp chỉ cần nhập các thông tin như dòng tiêu đề, hình ảnh, biểu trưng, và Google sẽ tìm cho bạn nhiều khách hàng nhất có thể trong phạm vi ngân sách và giá thầu CPA (Cost per Action) mà bạn kiểm soát.

CPA là hình thức tính phí quảng cáo Google tối ưu nhất hiện nay khi dựa trên hành vi của người dùng và thông tin lịch sử về chiến dịch của bạn dựa trên đánh giá tín hiệu theo ngữ cảnh xuất hiện trong thời gian.

Mô hình này giúp tối ưu hóa chiến dịch quảng bá của doanh nghiệp vì họ chỉ phải chi trả cho Google khi khách hàng thực hiện một hành động cụ thể như mua hàng, đăng ký dịch vụ, điền thông tin, cài đặt ứng dụng …Kinh phí cho hình thức này tuy không hè rẻ (vào năm 2013, con số trung bình trên thế giới là từ 20$ – 40$ cho mỗi “hành động” của độc giả) nhưng hình thức tính giá này được đánh giá tối ưu vì tính minh bạch, khả năng kiểm soát ngân sách tốt do hệ thống báo cáo và điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Sản phẩm CPA phù hợp với các nhóm doanh nghiệp như Nhà phát hành Game, Thương mại điện tử, nhóm doanh nghiệp Giáo dục – Khoa học – Giải trí.

Big Data là thuật ngữ chỉ nguồn dữ liệu khổng lồ và phức tạp mà các hệ thống máy tính thông thường không có khả năng xử lý được. Bao gồm phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư.

Xu hướng ngày nay là chính bản thân doanh nghiệp cũng đang sở hữu Big Data của riêng mình: eBay sử dụng hai trung tâm dữ liệu để chứa những truy vấn, tìm kiếm, đề xuất cho khách hàng cũng như thông tin về hàng hóa của mình; Facebook quản lí hàng tỉ bức ảnh từ người dùng tải lên; YouTube hay Google thì phải lưu lại tất cả các lượt truy vấn và video của người dùng cùng nhiều loại thông tin khác có liên quan.

Các lợi ích chính mà Big Data mang lại: cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tăng thời gian phát triển và tối ưu hóa sản phẩm, đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định. Big Data cung cấp các dữ liệu mà bạn có thể phân tích được sở thích, thói quen của khách hàng từ đó gián tiếp giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa hơn. Nguồn dữ liệu này có được là từ những hành động của khách hàng khi truy cập trang web của doanh nghiệp.

Ví dụ khi bạn mua sắm trên eBay, Amazon hoặc những trang tương tự, trang này sẽ đưa ra gợi ý cho bạn về những sản phẩm liên quan đến sản phẩm mà bạn đang chủ động tìm kiếm. Ví dụ khi bạn tìm kiếm về giày chạy bộ, các sản phẩm được gợi ý trên màn hình của bạn là đồ chạy bộ, bình nước thể thao,…

Big Data là một nguồn dữ liệu không lồ và cực kỳ đa dạng, doanh nghiệp sẽ tùy nhu cầu của mình mà chọn hướng khai thác phù hợp, hiệu quả nhất.

Ứng dụng công nghệ VR (Vitual Reality – thực tế ảo) trong Marketing

Công nghệ VR cho phép người dùng miêu tả một môi trường được giả lập qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng, được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc thông qua kính thực tại ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem như họ đang ở trong chính không gian đó.


Ứng dụng công nghệ Vitual Reality trong lĩnh vực Bất động sản

 Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, khách hàng thường bối rối khi không rõ về căn hộ mình sắp bỏ tiền ra mua, và ứng dụng công nghệ VR trong tiếp thị là giải pháp giúp việc chào bán sản phẩm trở nên hiệu quả hơn. Kết hợp công nghệ VR này với các thiết bị quét không gian 3D sẽ giúp bạn tái hiện một không gian đa chiều, người xem còn có thể di chuyển từ điểm này sang điểm khác, khám phá các không gian khác nhau hay thậm chí nhìn bao quát toàn bộ không gian từ trên cao. Các cảm quan đo lường về cách thiết kế, bố trí không gian mặt sàn các tầng và đồ nội thất qua hình ảnh phân bổ mặt sàn và góc nhìn 3D thực của cả ngôi nhà đều được hiển thị đầy đủ qua các thiết bị thực tại ảo.

Trong tương lai các nhà làm Marketing tiên tiến cũng có thể áp dụng công nghệ này trong việc tạo cho khách hàng tiện ích trải nghiệm không gian quán ăn, cafe, khách sạn, resort, bảo tàng, triển lãm, hay thậm chí các đại lý du lịch có thể mô phỏng điểm du lịch nổi tiếng tạo cơ hội cho khách hàng dễ dàng có quyết định cho chuyến đi của mình,..

Marketing 4.0 là xu hướng tất yếu của thời đại, doanh nghiệp của bạn muốn tồn tại được chỉ có duy nhất một con đường là đồng hành cùng sự phát triển của nó. Hầu hết các doanh nghiệp Việt hiện nay còn lúng túng trong việc chạy theo công nghệ của “thời đại 4.0” (79% doanh nghiệp chưa có động thái gì để “đón sóng” “thời đại 4.0” – kết quả khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội) vì thế mà hơn lúc nào hết đã đến lúc bạn đứng dậy và rẽ lối đi của riêng mình.
Previous Post
Next Post

0 nhận xét: